Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn giai đoạn 2021 - 2025, hiện tỉnh Lào Cai có 139/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó 63 xã khu vực III, 4 xã khu vực II và 72 xã khu vực I, 603 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Với tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 5.737.998 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương 3.944.430 triệu đồng (Vốn đầu tư: 2.075.301 triệu đồng, Vốn sự nghiệp: 1.869.129 triệu đồng), còn lại là huy động các nguồn vốn khác (NSĐP, vốn vay, vốn cộng đồng đóng góp).
Đ/c Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTGQ triển khai thực hiện Kế hoạch năm 2025
Với việc tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai và giảm nghèo bền vững; tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động; góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân; Kết quả cụ thể cho thấy, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hằng năm và giai đoạn của Chương trình đều đạt nhiều thành tựu nổi bật như: Hạ tầng - An sinh xã hội, Giao thông: 100% xã đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông. Điện, nước, truyền thông: Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 97,7%, sử dụng nước hợp vệ sinh 96,8%, xem truyền hình 98,3%, nghe đài 99,6%. Cơ sở giáo dục - y tế: 81,7% phòng học kiên cố; 95,5% trạm y tế kiên cố; 98% dân tham gia BHYT. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em: trên 80% phụ nữ mang thai khám thai định kỳ; trên 91% sinh con tại cơ sở y tế; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 15%. Phát triển kinh tế - giảm nghèo: tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân giai đoạn giảm 6,63%/năm (vượt 0,63% so kế hoạch trung ương giao)…
Trong giai đoạn một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực nhất định như: hạ tầng thiết yếu được đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu; công tác Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân được quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo; tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ 152 dự án PTSX (20 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, 132 dự án cộng đồng); Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tổ chức 50 lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng dạy và học đối với trường PTDT Nội trú, Bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú cho 3.500 cán bộ quản lý; giáo viên người làm công tác quản lý học sinh bán trú; tổ chức 24 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 1.436 người là đối tượng 4 (công chức, viên chức trực tiếp tham mưu, theo dõi về công tác dân tộc; bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ dân phố trực tiếp tiếp xúc, làm việc với đồng bào dân tộc thiểu số); Tổ chức 4 lớp dạy tiếng dân tộc Mông và tiếng dân tộc Tày cho 164 người tham gia; Hỗ trợ học bổng; chi phí học tập; học phí cho học sinh được UBND tỉnh cử đi học cử tuyển tại các trường Đại học theo quy định. Bên cạnh đó đã tổ chức 247 lớp/17.452 lượt người tham gia, trong đó tập huấn cho cán bộ công chức các cấp: 37 lớp/1.992 lượt người về Nghiệp vụ đấu thầu cơ bản - Đấu thầu cộng đồng - Nghiệp vụ đấu thầu qua mạng; Kỹ năng lập kế hoạch phát triển KTXH hàng năm cấp xã có sự tham gia của cộng đồng người dân trong phát triển KTXH; Tổ chức 210 lớp/15.460 lượt người cho đối tượng là cộng đồng người dân. Tổ chức 16 đoàn đi học tập kinh nghiệm thực hiện chương trình trong và ngoài tỉnh với gần 400 lượt người tham gia...

Sở Dân tộc và Tôn giáo tập huấn về nghiệp vụ đấu thầu
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn thách thức như: Giải ngân nguồn vốn còn chậm, đặc biệt thực hiện nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, sắp xếp dân cư…một số chỉ tiêu thực hiện Chương trình chưa đạt mục tiêu, trong đó có chỉ tiêu số xã, số thôn thoát diện đặc biệt khó khăn.
Việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã mang lại kết quả rõ nét: hạ tầng vùng cao được cải thiện, mức sống nông thôn và thu nhập người dân tăng, tỷ lệ nghèo giảm, kết cấu hạ tầng giáo dục - y tế được nâng cấp, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vươn ra thị trường. Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới cũng được duy trì ổn định.
Tuy vậy, để đảm bảo kết quả bền vững, tỉnh Lào Cai cần tiếp tục tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; lồng ghép, huy động nguồn lực phù hợp, hiệu quả; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện chương trình các cấp; tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất - xúc tiến thương mại trên cả thị trường offline (hội chợ) và online (sàn TMĐT)… đảm bảo hiệu quả toàn diện trong giai đoạn tiếp theo (2026 - 2030).
Trần Thị Ngọc Quỳnh