Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai

Ngày 28/11/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1898/QĐ TTg về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” nhằm nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số và giảm bất bình đẳng giới. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 202/KH UBND ngày 20/6/2018 triển khai thực hiện Quyết định số 1898/QĐ TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

anh tin bai

Ra mắt Câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới” tại xã Nàn Sín - huyện Si Ma Cai

 Theo Quyết định và các kế hoạch địa phương, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: 100 % cán bộ dân tộc, người có uy tín, già làng tại các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được tập huấn kiến thức bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới vào chính sách; Ít nhất 80% hộ dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin và pháp luật về bình đẳng giới; 100 % trường bán trú, dân tộc nội trú được lồng ghép nội dung kỹ năng sống và bình đẳng giới; Hỗ trợ 30 - 50% số xã trọng điểm xây dựng mô hình điểm về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Nội dung triển khai gồm: Tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân - gia đình và phòng, chống bạo lực thông qua hội nghị, tiểu phẩm, sân khấu hóa,… phù hợp với ngôn ngữ dân tộc, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ dân tộc xã, huyện và đội ngũ làm công tác dân tộc. Xây dựng mô hình thí điểm, câu lạc bộ bình đẳng giới, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, giảm định kiến và bạo lực giới.

Trong giai đoạn 2018 - 2025, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới trong đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú, đa dạng về hình thức như tổ chức chiếu bóng lưu động từ 750 - 792 buổi/năm; Tổ chức 1.794 hội nghị tuyên truyền phổ biến về bình đẳng giới cho 78.143 lượt người tham gia; 4.888 cuộc truyền thông cho người có uy tín, trưởng thôn, bí thư chi bộ, thanh niên, phụ nữ và người dân với gần 216.079 lượt người tham gia; tổ chức các hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý về bình đẳng giới tại cộng đồng là: 898 vụ liên quan đến hôn nhân và gia đình; trợ giúp pháp lý lưu động tại địa bàn các xã, thôn, bản là 574 đợt cho 7.552 lượt đồng bào dân tộc thiểu số; 1.618 cuộc tư vấn (về bình đẳng giới, phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em, tình trạng phụ nữ đi khỏi địa phương, xuất cảnh trái phép...) cho 6.015 lượt người. Tổ chức thi viết tìm hiểu chính sách pháp luật về bình đẳng giới có 9.602 bài tham gia. Tuyên truyền cổ động, trực quan như treo 4.887 băng zôn, áp phích; 2.278 khẩu hiệu tuyên truyền về Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Xây dựng 02 Mô hình thí điểm về “Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới” trong 2 năm 2020 - 2021 tại xã Nàn Sín - huyện Si Ma Cai; xã Lùng Cải - huyện Bắc Hà. Các huyện, thị xã, thành phố xây dựng 82 mô hình điểm về bình đẳng giới gắn với phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các mô hình thí điểm đều thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều hộ gia đình, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống bất bình đẳng giới góp phần phát triển kinh tế - xã hội tiến bộ, văn minh, bình đẳng. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án cũng được chú trọng tỉnh đã tổ chức 229 Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về công tác bình đẳng giới cho 14.712 lượt người là cán bộ thôn, người có uy tín và và người dân tham gia. 

anh tin bai

Sở Dân tộc và Tôn giáo bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới tại Mô hình điểm Nàn Sín, huyện Si Ma Cai

Tuy nhiên là tỉnh miền núi, biên giới, là nơi sinh sống chủ yếu của nhiều dân tộc thiểu số như Dao, Mông, Tày, Nùng… Với điều kiện địa lý vùng cao hẻo lánh, trình độ dân trí chưa đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn, việc thúc đẩy bình đẳng giới ở đây đóng vai trò then chốt để bảo đảm sự phát triển toàn diện, góp phần bảo tồn văn hóa và giảm nghèo bền vững. Ở nhiều bản làng, phụ nữ vẫn chịu sức ép từ hủ tục, chưa được tham gia hết quyền lợi chính trị - xã hội. Tỷ lệ trẻ em gái theo học cấp II, cấp III còn thấp. Các khóa dạy nghề - kỹ năng sống chưa đáp ứng nhu cầu toàn diện cho phụ nữ. Khoản vay nhỏ chưa được tiếp cận rộng rãi, kiến thức về tài chính, quản lý kinh tế hộ gia đình còn hạn chế. 

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và UBND tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025, Lào Cai đã triển khai tương đối đầy đủ các mục tiêu theo Quyết định số 1898/QĐ TTg. Thông qua tuyên truyền, đào tạo và mô hình điểm, hoạt động bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để xây dựng những thay đổi sâu sắc, bền vững, cần tiếp tục mở rộng mô hình, đổi mới cách truyền thông và nâng cao năng lực giám sát - đánh giá xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Tổng kết, những bước đi ban đầu của Lào Cai trong thúc đẩy bình đẳng giới theo Quyết định 1898 đã đạt mục tiêu đề ra; kỳ vọng rằng với giải pháp thích ứng và nhân rộng mô hình, phụ nữ và cộng đồng dân tộc thiểu số tại tỉnh sẽ ngày càng chủ động và bình đẳng hơn trong đời sống xã hội.

Thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai không chỉ là bảo đảm quyền con người, mà còn là chiến lược phát triển toàn diện. Bằng việc triển khai đồng bộ từ nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng, hỗ trợ tài chính và tăng cường vai trò lãnh đạo, phụ nữ dân tộc thiểu số đang dần trở thành động lực đổi mới tại cộng đồng. Để duy trì hiệu quả, chính phủ và địa phương cần tăng cường đầu tư chính sách, kết nối thị trường, đẩy mạnh truyền thông và tôn trọng văn hóa bản địa - để bình đẳng giới trở thành “gốc rễ” trong sự phát triển vùng cao.

Kim Hồng





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập